Các dạng sự sống Kỷ_Tam_Điệp

Trong kỷ Trias, ba loại hình chính của sinh vật có thể được phân chia như sau: những sinh vật còn sót lại từ sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-Trias, một vài nhóm mới đã phát triển nhanh chóng nhưng ngắn ngủi và các nhóm mới đã thống lĩnh thế giới trong đại Trung sinh.

Động vật biển

Trong các môi trường đại dương thì các kiểu san hô mới và hiện đại đã xuất hiện vào thời kỳ Trias sớm, tạo thành các mảng đá ngầm có kích thước khiêm tốn hơn so với các hệ thống san hô lớn của kỷ Devon hay của đá ngầm ngày nay. Các động vật chân đầu (lớp Cephalopoda) có vỏ, gọi chung là con cúc (phân lớp Ammonoidea) đã phục hồi, đa dạng hóa từ một nhánh duy nhất còn sống sót sau sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi. Các loài khá đồng nhất, phản ánh một thực tế là còn rất ít các họ cá sống sót sau sự kiện tuyệt chủng này. Khi đó cũng tồn tại nhiều dạng bò sát sinh sống trong các đại dương. Chúng bao gồm các nhóm thằn lằn chân chèo (siêu bộ Sauropterygia), bao gồm các phân bộ PachypleurosauriaNothosauria (cả hai nhóm này đều phổ biến ở thời Trung Trias, đặc biệt là trong khu vực biển Tethys), các loài bò sát thuộc các bộ PlacodontiaPlesiosauria đầu tiên; các loài bò sát giống như lươn thuộc bộ Thalattosauria (chi Askeptosaurus); và thằn lằn cá (bộ Ichthyosauria) khá thành công, đã xuất hiện trong các vùng biển thời Trias sớm và đa dạng hóa khá sớm, một số cuối cùng đã phát triển với kích thước khổng lồ vào cuối kỷ Trias.

Thực vật trên cạn

Trên đất liền, những loại thực vật còn sống sót là ngành Lycopodiophyta (thạch tùng, thông đất), thống lĩnh là tuế (ngành Cycadophyta), ngành Ginkgophyta (đại diện ngày nay là bạch quả (Ginkgo biloba)) và dương xỉ có hạt. Thực vật có hạt thống lĩnh mặt đất. Ở bán cầu bắc, các loài thông là chủ yếu. Glossopteris (dương xỉ có hạt) đã thống trị bán cầu nam vào đầu kỷ Trias.

Động vật trên cạn

Động vật lưỡng cư bộ Temnospondyli thuộc nhóm các sinh vật sống sót sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-Trias, một số nòi giống (ví dụ cận bộ Trematosauria) đã thịnh vượng trong một thời gian ngắn thời Trias sớm, trong khi các nhóm khác (ví dụ siêu họ Capitosauroidea) vẫn duy trì được thành công trong toàn kỷ, hoặc chỉ phát triển mạnh vào thời Trias muộn(ví dụ các siêu họ Plagiosauroidea, Metoposauroidea). Đối với các nhóm lưỡng cư khác, các loài thuộc phân lớp Lissamphibia đầu tiên được biết đến từ thời Trias sớm, nhưng nhóm này về tổng thể chưa phổ biến cho tới tận kỷ Jura, khi các lưỡng cư Temnospondyli đã trở nên rất hiếm.

Các loài bò sát trông tựa như cá sấu thuộc cận lớp Archosauromorpha – đặc biệt là nhóm Archosauria – đã thay thế mạnh mẽ cho các loài bò sát giống thú thuộc lớp Cung thú (Synapsida) đã thống trị trong kỷ Permi. Mặc dù bò sát răng chó (chi Cynognathus) đã từng là động vật ăn thịt hàng đầu vào thời kỳ đầu kỷ Trias (OlenekiaAnisia) tại Gondwana, và cả các loài bò sát hai răng chó (họ Kannemeyeriidae thuộc cận bộ Dicynodontia) lẫn bò sát một răng chó (gomphodont thuộc cận bộ Cynodontia) vẫn là các động vật ăn cỏ quan trọng trong phần lớn thời gian của kỷ này, nhưng vào cuối kỷ Trias thì các bò sát giống thú này chỉ đóng vai trò không đáng kể. Trong khoảng thời kỳ Carnia (phần đầu của Trias muộn), một số Cynodontia còn ưu thế đã tiến hóa thành các động vật có vú đầu tiên. Cùng thời gian đó thì các bò sát cổ chim (nhóm Ornithodira), cho đến lúc đó vẫn còn ít và không có ảnh hưởng đáng kể, đã tiến hóa thành thằn lằn có cánh (bộ Pterosauria) và các chủng loại khủng long (siêu bộ Dinosauria). Bò sát mắt cá chân chéo (nhóm Crurotarsi) là một nhánh quan trọng khác của Archosauria, và trong thời kỳ Trias muộn chúng cũng đạt tới đỉnh cao của sự đa dạng, với các nhóm khác biệt, bao gồm các bộ Phytosauria, Aetosauria, một vài nòi giống riêng biệt của bộ Rauisuchia, và các bò sát dạng cá sấu (bộ Crocodylia) đầu tiên (nhánh Sphenosuchia). Trong lúc ấy thì các loài bò sát hai cung (bộ Rhynchosauria) ăn cỏ to lớn và các loài bò sát thuộc bộ Prolacertiformes ăn côn trùng hay ăn cá có kích thước từ nhỏ đến trung bình đã là các nhóm bò sát Archosauromorpha cơ sở quan trọng trong phần lớn kỷ Trias.

Trong số các bò sát khác, các loài rùa biển sớm nhất thuộc siêu họ Chelonioidae, như các chi ProganochelysProterochersis, đã xuất hiện trong thời kỳ Noria (thời kỳ giữa của Trias muộn). Bò sát thuộc cận lớp Lepidosauromorpha - đặc biệt là bộ Sphenodontia, lần đầu tiên được biết tới trong các mẫu hóa thạch có niên đại sớm hơn một chút (trong thời kỳ Carnia). Procolophonidae là một nhóm quan trọng các động vật ăn cỏ kích thước nhỏ giống như thằn lằn.

Nhóm Archosauria ban đầu hiếm hơn so với các Therapsida vốn đã thống trị hệ sinh thái kỷ Permi trên mặt đất, nhưng nhóm này bắt đầu lấn át therapsida vào giữa kỷ. Điều này có thể đã đóng góp cho quá trình tiến hóa của động vật có vú bằng cách buộc các therapsida còn sống sót và các nhóm dạng thú có vú của nó phải thu nhỏ kích thước, chủ yếu ăn côn trùng và sống về đêm. Cuộc sống vào ban đêm có thể đã khiến các dạng thú có vú phải phát triển lông và có cường độ trao đổi chất cao hơn (máu nóng).

  • Lystrosaurus là động vật có xương sống đất phổ biến nhất trong kỷ Trias sớm, khi sự đa dạng của động vật đã giảm đi rất nhiều.
  • Proterosuchus, một loài bò sát ăn thịt giống cá sấu đã tồn tại trong kỷ Trias sớm.
  • Cynognathus là một dạng bò sát răng chó ở đầu kỉ Trias. Động vật có vú thật sự đầu tiên đã xuất hiện trong giai đoạn này.
  • Coelophysis, một dạng Khủng long nguyên thủy đã xuất hiện vào giữa kỷ.
  • Plateosaurus là một Khủng long dạng chân thằn lằn nguyên thủy, sống ở kỷ Trias muộn.